Ranh giới giữa tuân thủ và vi phạm pháp luật trong việc thực hiện quy định về mang thai hộ vì mục đích nhân đạo
16/05/2024
Mang thai hộ không còn là vấn đề mới về mặt thực tiễn. Hiện nay thuật ngữ này thường được nhắc đến bằng các tên gọi hết sức quen thuộc như “đẻ thuê”, “đẻ mướn”, “chửa hộ”... với các hình thức thực hiện khác nhau. Vậy hiểu thế nào là mang thai hộ vì mục đích nhân đạo? Và thực trạng này đang diễn ra như thế nào? Cùng theo dõi bài biết sau để hiểu rõ hơn về vấn đề này.

Ngày nay việc các cặp đôi hiếm muộn có nhu cầu tìm kiếm một đứa con chung huyết thống ngày càng nhiều, cùng với sự tiến bộ của y học hiện đại nên mang thai hộ đã trở thành nhu cầu hết sức thực tế và cần có những quy định pháp luật điều chỉnh vấn đề này. Chính vì tính cấp thiết của nó mà Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 đã dành ra 7 điều từ Điều 94 đến Điều 100 để quy định về nội dung này. Đây được xem như một bước tiến quan trọng trong việc tôn trọng và bảo vệ quyền con người, thể hiện tính nhân văn sâu sắc. Trước đây, tại Nghị định số 12/2003/NĐ-CP ngày 12/02/2003 của Chính phủ về sinh con theo phương pháp khoa học đã đề cập đến vấn đề này nhưng lại quy định nghiêm cấm hành vi mang thai hộ.

Vậy hiểu mang thai hộ vì mục đích nhân đạo như thế nào cho đúng thì tại khoản 22 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định như sau: “mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là việc một người phụ nữ tự nguyện, không vì mục đích thương mại giúp mang thai cho cặp vợ chồng mà người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, bằng việc lấy noãn của người vợ và tinh trùng của người chồng để thụ tinh trong ống nghiệm, sau đó cấy vào tử cung của người phụ nữ tự nguyện mang thai để người này mang thai và sinh con”.

Theo đó, mang thai hộ vì mục đích nhân đạo phải là sự tự nguyện, không vì mục đích thương mại và cặp vợ chồng nhờ mang thai hộ là cặp vợ chồng mà trong đó người vợ không thể mang thai và sinh con. Phương pháp này được thực hiện bằng việc lấy noãn của người vợ và tinh trùng của người chồng để thụ tinh trong ống nghiệm và sau đó cấy vào tử cung của người được nhờ mang thai hộ để người này mang thai và sinh con.

Việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo phải được thực hiện trên cơ sở tự nguyện của các bên không vì bất kỳ một lợi ích nào khác và thỏa thuận về việc mang thai hộ phải được lập thành văn bản và có công chứng.

Mang thai hộ: thông tin cần biết

Trên thực tế, do đây là quy định pháp luật mới nên việc thi hành và tuyên truyền rộng rãi tới mọi người dân các quy định pháp luật về mang thai hộ vì mục đích nhân đạo còn gặp nhiều khó khăn và chưa được sâu sắc. Điều này dẫn đến việc đa số người dân chưa phân biệt được đâu là hành vi được pháp luật công nhận bảo vệ (mang thai hộ vì mục đích nhân đạo) và đâu là hành vi bị pháp luật nghiêm cấm (mang thai hộ vì mục đích thương mại).

Hiện nay trên các trang mạng xã hội dịch vụ mang thai hộ được quảng cáo công khai, rầm rộ với những hứa hẹn về chất lượng dịch vụ, hỗ trợ chuẩn bị hồ sơ từ đầu tới cuối, thủ tục nhanh chóng đã thu hút không ít các cặp đôi tin tưởng và sử dụng dịch vụ. Họ không biết rằng chính mình đang tiếp tay cho cái xấu, tiếp tay cho những hành vi vi phạm pháp luật.

Theo đó, tại điểm g khoản 2 Điều 5 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, hành vi mang thai hộ vì mục đích thương mại là hành vi bị pháp luật nghiêm cấm và có các mức xử phạt như sau:

  • Xử phạt hành chính:

Hành vi mang thai hộ vì mục đích thương mại nếu chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự, thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính. Cụ thể tại Điều 60 Nghị định 82/2020/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng đối với hành vi mang thai hộ vì mục đích thương mại. Người vi phạm còn có thể bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.

  • Truy cứu trách nhiệm hình sự:

Trường hợp đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự, những người có hành vi tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại quy định tại Điều 187 Bộ luật Hình sự năm 2015 với khung hình phạt là phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 200 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm và hình phạt cao nhất lên đến 05 năm. Bên cạnh đó, người phạm tội còn có thể bị áp dụng một số hình phạt bổ sung là phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng; cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Bài viết liên quan
21 điểm mới của Luật Đất đai 2024
21 điểm mới của Luật Đất đai 2024
10 LUẬT CÓ HIỆU LỰC THI HÀNH từ ngày 01/7/2024
10 LUẬT CÓ HIỆU LỰC THI HÀNH từ ngày 01/7/2024
Cảnh báo tội phạm cá độ bóng đá mùa Euro 2024
Cảnh báo tội phạm cá độ bóng đá mùa Euro 2024