10 LUẬT CÓ HIỆU LỰC THI HÀNH từ ngày 01/7/2024
28/06/2024
Bước sang tháng 7/2024, 10 Luật mới sẽ có hiệu lực. Cùng Luật Phạm Vũ điểm qua các điểm mới của 10 Luật này để nắm rõ những thay đổi, những quy định mới để thực hiện đúng các quy định pháp luật nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của chính mình thông qua bài viết dưới đây.

Theo đó, từ ngày 01/7/2024, sẽ có tất cả 10 Luật có hiệu lực thi hành, như sau:

  1. Luật Căn cước 2023:

Có hiệu lực từ 01/7/2024, Luật Căn cước 2023 số 26/2023/QH15 gồm 07 Chương, 46 Điều quy định về cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu căn cước; thẻ căn cước, căn cước điện tử; giấy chứng nhận căn cước; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Chính thức đổi tên thẻ Căn cước công dân thành thẻ Căn cước. Theo đó, thẻ Căn cước là giấy tờ tùy thân của công dân, chứa đựng thông tin về căn cước và các thông tin khác được tích hợp của công dân Việt Nam. Quy định về việc cấp, đổi thẻ căn cước như sau: đối với trường hợp công dân đủ 14 tuổi chưa từng được cấp thẻ căn cước, thẻ CCCD; công dân đã có thẻ CCCD nhưng hết thời hạn sử dụng sẽ phải làm thủ tục cấp, đổi thẻ Căn cước; đối với các trường hợp công dân đang sử dụng thẻ CCCD vẫn còn thời hạn sử dụng thì vẫn tiếp tục được sử dụng đến khi hết thời hạn mới phải đổi sang thẻ căn cước, trừ trường hợp công dân có nhu cầu đổi từ thẻ CCCD sang thẻ căn cước.

Bổ sung quy định về việc tích hợp thông tin vào thẻ Căn cước gồm: Thẻ bảo hiểm y tế, sổ bảo hiểm xã hội, giấy phép lái xe, giấy khai sinh, giấy chứng nhận kết hôn... Người dân đề nghị tích hợp thông tin vào thẻ căn cước khi có nhu cầu hoặc khi thực hiện việc cấp thẻ căn cước. Việc sử dụng thông tin được tích hợp vào thẻ căn cước có giá trị tương đương như việc cung cấp thông tin hoặc sử dụng giấy tờ có chứa thông tin đó trong thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công...

Mở rộng thêm đối tượng được cấp thẻ căn cước: công dân Việt Nam dưới 14 tuổi cấp thẻ căn cước theo nhu cầu; công dân Việt Nam không đủ điều kiện đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú nếu được cập nhật thông tin nơi ở hiện tại vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Ngoài ra, thẻ Căn cước cũng bổ sung thêm thông tin sinh trắc học gồm ADN và mống mắt, không còn thể hiện dấu vân tay trên mặt thẻ. Thay vào đó, các thông tin này sẽ được tích hợp trong bộ phận mã hóa, con chip của thẻ Căn cước.

Đáng chú ý, Luật còn bổ sung quy định mỗi công dân Việt Nam được cấp một căn cước điện tử. Căn cước điện tử được cơ quan quản lý căn cước Bộ Công an tạo lập ngay sau khi công dân hoàn thành thủ tục cấp tài khoản định danh điện tử mức độ 2 trên VNeID.

  1. Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở 2023:

Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở 2023 số 30/2023/QH15 - là một Luật hoàn toàn mới gồm 05 Chương, 33 Điều quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, nguyên tắc tổ chức, hoạt động, quan hệ công tác, xây dựng lực lượng, bảo đảm điều kiện hoạt động và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Luật quy định, lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở là một trong những lực lượng quần chúng, được bố trí ở thôn, tổ dân phố, làm nòng cốt hỗ trợ Công an cấp xã giúp UBND cùng cấp trong bảo vệ an ninh, trật tự và xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Điều kiện để được xem xét, tuyển chọn tham gia lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở: Công dân Việt Nam từ đủ 18 tuổi đến đủ 70 tuổi; có lý lịch rõ ràng; phẩm chất đạo đức tốt; bản thân và gia đình chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; có bằng tốt nghiệp hoặc đã hoàn thành chương trình giáo dục trung học cơ sở trở lên; đang thường trú hoặc tạm trú từ 1 năm trở lên và thường xuyên sinh sống tại nơi nộp đơn; có đủ sức khỏe theo giấy chứng nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được thành lập, hoạt động theo quy định của pháp luật… 

Tại Luật này, lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở sẽ chính thức được tham gia bảo hiểm xã hội theo khoản 2 Điều 32 Luật này. Cụ thể:

- Hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm y tế theo mức căn cứ quyết định của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh.

- Người ốm đau, tai nạn, chết, bị thương khi làm nhiệm vụ, tham gia bảo hiểm y tế và đủ điều kiện hưởng: Được chi trả chế độ từ quỹ bảo hiểm.

- Chưa tham gia bảo hiểm y tế mà ốm đau, tai nạn, chết, bị thương khi thực hiện nhiệm vụ thì được hỗ trợ thanh toán chi phí khám chữa bệnh.

Ngoài ra, đối tượng này còn được nhận tiền hỗ trợ thường xuyên, tiền đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, được đi học, bồi dưỡng, huấn luyện và nhận mức ăn theo quy định…

  1. Luật Các tổ chức tín dụng 2024:

Luật Các tổ chức tín dụng 2024 số 32/2024/QH15 gồm 15 Chương, 210 Điều quy định về việc thành lập, tổ chức, hoạt động, can thiệp sớm, kiểm soát đặc biệt, tổ chức lại, giải thể, phá sản tổ chức tín dụng; việc thành lập, tổ chức, hoạt động, can thiệp sớm, giải thể, chấm dứt hoạt động của chi nhánh ngân hàng nước ngoài; việc thành lập, hoạt động của văn phòng đại diện tại Việt Nam của tổ chức tín dụng nước ngoài, tổ chức nước ngoài khác có hoạt động ngân hàng; việc xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ có chức năng mua, bán, xử lý nợ.

Điểm nổi bật trong Luật Các tổ chức tín dụng 2024 là quy định cấm bán bảo hiểm không bắt buộc đi kèm khoản vay được quy định tại khoản 5 Điều 15 Luật này như sau: Ngân hàng bán bảo hiểm không bắt buộc phải mua khi cá nhân, tổ chức vay vốn dưới mọi hình thức.

Ngoài ra, các hành vi bị cấm khác được nêu tại Điều 15 Luật Các tổ chức tín dụng 2024 gồm:

- Ngân hàng cho vay, thực hiện hoạt động ngân hàng, kinh doanh khác ngoài hoạt động ghi trong giấy phép đã được cấp;

- Tổ chức, cá nhân không phải ngân hàng thực hiện hoạt động ngân hàng trừ các giao dịch ký quỹ, mua bán lại chứng khoán của công ty chứng khoán;

- Việc can thiệp trái luật vào hoạt động ngân hàng, kinh doanh khác của ngân hàng;

- Thực hiện hạn chế cạnh tranh/cạnh tranh không lành mạnh có nguy cơ gây tổn hại/gây tổn hại đến thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia, an toàn của hệ thống tổ chức tín dụng, lợi ích Nhà nước và quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức.

Đồng thời, đối với các khoản vay tiêu dùng có giá trị nhỏ, ngân hàng phải có tối thiểu thông tin về mục đích sử dụng vốn hợp pháp, khả năng tài chính trước khi quyết định cho vay với các khoản vay:

- Phục vụ nhu cầu đời sống, vay qua thẻ ngân hàng;

- Khoản cho thuê tài chính, khoản vay tiêu dùng, khoản cấp tín dụng qua thẻ của tổ chức phi ngân hàng;

- Khoản vay phục vụ nhu cầu đời sống của quỹ tín dụng nhân dân;

- Khoản vay của tổ chức tài chính vi mô.

  1. Luật Giao dịch điện tử 2023:

Luật Giao dịch điện tử 2023 số 20/2023/QH15  gồm 08 Chương, 53 Điều quy định việc thực hiện giao dịch bằng phương tiện điện tử. Tuy nhiên, Luật này không quy định về nội dung, điều kiện, hình thức của giao dịch. Trường hợp luật khác quy định hoặc không quy định giao dịch được thực hiện bằng phương tiện điện tử thì được áp dụng theo quy định của Luật này. Trường hợp luật khác quy định không được thực hiện giao dịch bằng phương tiện điện tử thì thực hiện theo quy định của luật đó.

Chính thức bổ sung các khái niệm chữ ký điện tử, chữ ký số, hợp đồng điện tử. Cụ thể:

- Chữ ký điện tử là chữ ký được tạo dưới dạng dữ liệu điện tử gắn liền/kết hợp logic với thông điệp dữ liệu nhằm xác nhận chủ thể ký cũng như khẳng định sự chấp thuận của người đó với thông điệp điện tử;

- Chữ ký số là chữ ký điện tử gồm khóa bí mật dùng để ký số, khóa công khai dùng để kiểm tra chữ ký số.

- Hợp đồng điện tử là hợp đồng được thiết lập dưới dạng thông điệp dữ liệu.

(Trong đó, chữ ký số có thể được xác định là chữ ký điện tử theo khoản 3 Điều 22 Luật Giao dịch điện tử 2023).

Đồng thời, Điều 6 Luật này bổ sung các hành vi bị nghiêm cấm trong giao dịch điện tử gồm:

- Lợi dụng giao dịch điện tử để xâm phạm lợi ích quốc gia, dân tộc, an ninh quốc gia trật tự an toàn xã hội…

- Cản trở hoặc ngăn chặn trái pháp luật quá trình tạo ra, gửi, nhận, lưu trữ thông điệp dữ liệu hoặc có hành vi khác nhằm phá hoại hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử…

- Thu thập, sử dụng, tiết lộ, cung cấp, hiển thị, phát tán, kinh doanh trái phép thông điện dữ liệu…

  1. Luật Viễn thông 2023:

Luật Viễn thông 2023 số 24/2023/QH15 gồm 10 Chương, 73 Điều quy định về hoạt động viễn thông; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động viễn thông; quản lý nhà nước về viễn thông. Bắt đầu điều chỉnh ba dịch vụ mới là dịch vụ trung tâm dữ liệu, điện toán đám mây và dịch vụ viễn thông cơ bản trên internet.

Đồng thời, tại khoản 32 Điều 3 Luật Viễn thông 2023 cũng quy định, thuê bao viễn thông phải thanh toán đầy đủ, đúng hạn tiền sử dụng dịch vụ, cung cấp đầy đủ, chính xác thông tin thuê bao khi ký hợp đồng vào sử dụng dịch vụ viễn thông.

Đặc biệt, không sử dụng thông tin của mình trên thẻ Căn cước công dân/Chứng minh nhân dân… của mình để đăng ký dịch vụ viễn thông cho người khác trừ trường hợp pháp luật cho phép… .

Ngoài ra, Luật Viễn thông năm 2023 đã quy định cụ thể các loại tài nguyên viễn thông được phân bổ qua hình thức đấu giá. Việc lựa chọn mã, số viễn thông phân bổ qua đấu giá sẽ do thị trường quyết định; sau khi mang ra đấu giá mà đấu giá không thành sẽ quay về phân bổ trực tiếp, tuần tự. Luật quy định việc xác định giá khởi điểm để đấu giá cho từng loại mã, số viễn thông, tên miền Internet.

  1. Luật Giá 2023:

Tại Luật Giá 2023 số 16/2023/QH15 gồm 08 Chương, 75 Điều quy định về quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân, người tiêu dùng trong lĩnh vực giá, thẩm định giá; hoạt động quản lý, điều tiết giá của Nhà nước; tổng hợp, phân tích, dự báo giá thị trường; cơ sở dữ liệu về giá; thẩm định giá; thanh tra chuyên ngành về giá, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, thẩm định giá.

Hàng loạt hàng hóa, dịch vụ đã không còn nằm trong danh mục bình ổn giá gồm: Điện, Đường ăn, bao gồm đường trắng và đường tinh luyện; Muối ăn.

Đồng thời, bổ sung thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản vào danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá.

Tại Phụ lục 02 ban hành kèm Luật này, hàng loạt hàng hóa, dịch vụ đã được bổ sung vào danh sách gồm:

- Sách giáo khoa sẽ do Bộ Giáo dục định giá tối đa.

- Học phí, dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo tại cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập, đại học công lập thuộc phạm vi Nhà nước định giá…

Sáu mặt hàng không áp dụng Luật Giá năm 2023 gồm:

- Giá đất (được thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai);

- Giá nhà ở (được thực hiện theo quy định của pháp luật về nhà ở);

- Giá điện và giá các dịch vụ về điện (được thực hiện theo quy định của pháp luật về điện lực;

- Giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh (được thực hiện theo quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh);

- Học phí, giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, giáo dục nghề nghiệp (được thực hiện theo quy định của pháp luật về giáo dục, giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp);

- Tiền bản quyền khi khai thác, sử dụng tác phẩm, bản ghi âm, ghi hình trong trường hợp giới hạn quyền tác giả, giới hạn quyền liên quan, tiền đền bù đối với quyền sử dụng sáng chế được chuyển giao theo quyết định bắt buộc trong trường hợp người được chuyển giao quyền sử dụng sáng chế và người nắm độc quyền sử dụng sáng chế không thỏa thuận được, tiền đền bù đối với quyền sử dụng giống cây trồng (được chuyển giao theo quyết định bắt buộc được thực hiện theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ).

  1. Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023:

Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dung 2023 số 19/2023/QH15 gồm 07 Chương, 80 Điều quy định về nguyên tắc, chính sách bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; quyền và nghĩa vụ của người tiêu dùng; trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh đối với người tiêu dùng; hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của cơ quan, tổ chức; giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh; quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Luật mới ban hành nhiều quy định mới có lợi cho người tiêu dùng, có thể kể đến:

- Bổ sung nhiều hành vi ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng bị cấm như: Ép thanh toán cho sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đã cung cấp mà không có thỏa thuận trước; không được đền bù, trả lại tiền hoặc đổi sản phẩm hàng hóa, dịch vụ do nhầm lẫn của người bán hàng…

- Cấm chặn đánh giá của người mua trên Facebook, Shopee… bằng các biện pháp ngăn hiển thị hoặc hiển thị không trung thực kết quả đánh giá của người mua trên các trang bán hàng online trừ trường hợp đánh giá đó phạm luật, trái đạo đức xã hội.

- Thêm đối tượng phải bồi thường thiệt hại do sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật do mình cung cấp làm thiệt hại tính mạng, sức khỏe, tài sản của người tiêu dùng kể cả khi không biết hoặc không có lỗi như tổ chức, cá nhân sản xuất hoặc nhập khẩu sản phẩm, hàng hóa, bên trực tiếp cung cấp hàng hóa…

Tổ chức, cá nhân bán hàng đa cấp bị nghiêm cấm các hành vi:

-  Yêu cầu người khác phải đặt cọc, nộp một khoản tiền hoặc mua một số lượng hàng hóa nhất định để tham gia bán hàng đa cấp;

- Cung cấp thông tin gian dối, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng, cá nhân tham gia bán hàng đa cấp;

- Kinh doanh theo phương thức đa cấp không có giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp. 

- Tổ chức hoạt động giới thiệu về hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp không có giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp;

- Kinh doanh theo phương thức đa cấp đối với dịch vụ hoặc hình thức khác không phải là mua bán hàng hóa;

- Phát triển mạng lưới bán hàng đa cấp không dựa trên giao dịch mua bán hàng hóa…

  1. Luật Phòng thủ dân sự 2023:

Luật Phòng thủ dân sự 2023 số 18/2023/QH15 - đây là dự án Luật thứ 2 được ban hành mới hoàn toàn và có hiệu lực từ ngày 01/7/2024. Luật gồm 07 Chương, 55 Điều quy định nguyên tắc, hoạt động phòng thủ dân sự; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động phòng thủ dân sự; quản lý nhà nước và nguồn lực bảo đảm thực hiện phòng thủ dân sự.

Theo đó, phòng thủ dân sự được hiểu là bộ phận của phòng thủ đất nước gồm các yếu tố:

- Các biện pháp phòng, chống, khắc phục hậu quả của chiến tranh;

- Các biện pháp phòng, chống, khắc phục hậu quả của sự cố, thiên tai, thảm họa, dịch bệnh;

- Các biện pháp được sử dụng để bảo vệ nhân dân, cơ quan, tổ chức và nền kinh tế quốc dân.

Trong đó, đối tượng dễ bị tổn thương được liệt kê tại Luật này gồm những người hoặc nhóm người có đặc điểm và hoàn cảnh khiến họ có khả năng chịu nhiều tác động bất lợi hơn từ sự cố, thảm họa so với nhóm người trong cộng đồng. Cụ thể:

- Trẻ em;

- Người cao tuổi;

- Phụ nữ đang mang thaiđang nuôi con dưới 36 tháng tuổi;

- Người khuyết tật;

- Người bị bệnh hiểm nghèo;

- Người mất năng lực hành vi dân sự;

- Người nghèo;

- Người dân tộc thiểu số sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn;

- Các đối tượng khác.

Ngoài ra Luật này còn quy định về Quỹ phòng thủ dân sự như sau:

- Quỹ phòng thủ dân sự được ưu tiên thực hiện hoạt động: Cứu trợ khẩn cấp về lương thực, nước uống, thuốc chữa bệnh và các nhu yếu phẩm thiết yếu khác cho đối tượng bị thiệt hại do sự cố, thảm họa gây ra; hỗ trợ tu sửa, làm nhà ở, cơ sở y tế, trường học tại địa điểm bị ảnh hưởng do sự cố, thảm họa gây ra. 

- Quỹ được hình thành từ các nguồn tài chính: Đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân trong nước, ngoài nước; nguồn điều tiết từ các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách có liên quan đến hoạt động ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố, thảm họa.

  1. Luật Hợp tác xã 2023:

Cũng là một trong những Luật có hiệu lực từ ngày 01/7/2024, Luật Hợp tác xã 2023 số 17/2023/QH15 gồm 12 Chương, 115 Điều quy định về thành lập, tổ chức quản lý, tổ chức lại, giải thể, phá sản và hoạt động có liên quan của tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; chính sách của Nhà nước về phát triển tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã. 

Luật Hợp tác xã năm 2023 có nhiều nội dung mới về nhóm quy định:

- Bản chất hợp tác xã, phát triển thành viên hợp tác xã;

- Mở rộng thị trường, nâng cao khả năng huy động vốn, tạo động lực cho hợp tác xã phát triển;

- Nâng cao hiệu quả công tác quản trị, điều hành hợp tác xã;

- Tổ hợp tác và tổ chức đại diện;

- Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về lĩnh vực kinh tế tập thể.

Xác định hai tiêu chí để phân loại hợp tác xã thành siêu nhỏ, nhỏ, vừa và lớn là: tiêu chí số lượng thành viên chính thức và doanh thu hoặc tổng số vốn.

  1.  Luật Tài nguyên nước 2023:

Luật Tài nguyên nước 2023 số 28/2023/QH15 gồm 10 chương và 86 điều quy định về quản lý, bảo vệ, điều hòa, phân phối, phục hồi, phát triển, khai thác, sử dụng tài nguyên nước; phòng, chống và khắc phục tác hại do nước gây ra thuộc lãnh thổ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Bảo đảm an ninh nguồn nước quốc gia là kim chỉ nam trong quá trình xây dựng cho đến khi được Quốc hội thông qua Luật Tài nguyên nước. 

Một trong các hành vi bị nghiêm cấm được bổ sung tại Điều 8 Luật Tài nguyên nước là việc lấp sông, suối, kênh, rạch trái phép. Biểu hiện: việc đặt vật cản, chướng ngại vật, xây dựng công trình kiến trúc, trồng cây trái phép làm cản trở thoát lũ, lưu thông nước ở những địa điểm này mà không có biện pháp khắc phục.

Đồng thời, Luật này cũng quy định, rút ngắn thời hạn của giấy phép khai thác nước mặt từ tối đa 15 năm, tối thiểu 05 năm, được gia hạn nhiều lần và mỗi lần gia hạn tối thiểu 03 năm, tối đa 10 năm xuống còn gia hạn tối đa 10 năm, tối thiểu 05 năm và mỗi lần gia hạn thêm 05 năm.

Nguồn: Tổng hợp.

Bài viết liên quan
21 điểm mới của Luật Đất đai 2024
21 điểm mới của Luật Đất đai 2024
Cảnh báo tội phạm cá độ bóng đá mùa Euro 2024
Cảnh báo tội phạm cá độ bóng đá mùa Euro 2024
Ranh giới giữa tuân thủ và vi phạm pháp luật trong việc thực hiện quy định về mang thai hộ vì mục đích nhân đạo
Ranh giới giữa tuân thủ và vi phạm pháp luật trong việc thực hiện quy định về mang thai hộ vì mục đích nhân đạo