Quy định Pháp luật Việt Nam về các hành vi bạo lực trẻ em
15/03/2023
Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên tham gia Công ước quốc tế về Quyền Trẻ em, nhưng tình trạng trẻ em bị bạo hành trong gia đình và nhà trường vẫn còn xảy ra ở mức độ khá thường xuyên và nghiêm trọng. Các bậc phụ huynh luôn có những hình phạt nhất định để răn dạy con cái vào nề nếp.Dù vậy, bất luận thế nào cũng không thể coi bạo lực là một cách để dạy trẻ. Bởi trong bất cứ tình huống nào, điều này chưa bao giờ là một cách thể hiện tình yêu thương.

Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên tham gia Công ước quốc tế về  Quyền Trẻ em, nhưng tình trạng trẻ em bị bạo hành trong gia đình và nhà trường vẫn còn xảy ra ở mức độ khá thường xuyên và nghiêm trọng.

Tục ngữ vốn có câu: “Thương cho roi cho vọt”, với ý nghĩa các bậc phụ huynh luôn có những hình phạt nhất định để răn dạy con cái vào nề nếp. Dù vậy, bất luận thế nào cũng không thể coi bạo lực là một cách để dạy trẻ. Bởi trong bất cứ tình huống nào, điều này chưa bao giờ là một cách thể hiện tình yêu thương con hoặc phương pháp giáo dục đúng nghĩa. Thực tế hậu quả của việc đánh con khủng khiếp hơn nhiều người nghĩ. Những trận đòn roi không chỉ gây ra nỗi đau về thể xác mà còn để lại những vết hằn tâm lý sâu sắc mãi về sau.

Tại khoản 6 Điều 4 Luật trẻ em 2016 quy định về các hành vi bạo lực trẻ em như sau:Bạo lực trẻ em là hành vi hành hạ, ngược đãi, đánh đập; xâm hại thân thể, sức khỏe; lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm; cô lập, xua đuổi và các hành vi cố ý khác gây tổn hại về thể chất, tinh thần của trẻ em.

Có thể bị xử phạt hành chính đối với hành vi bạo hành trẻ em

Theo Điều 22 Nghị định 130/2021/NĐ-CP quy định về mức xử phạt đối với hành vi bạo lực trẻ em như sau:

- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

+ Bắt nhịn ăn, nhịn uống, không cho hoặc hạn chế vệ sinh cá nhân; bắt sống ở nơi có môi trường độc hại, nguy hiểm hoặc các hình thức đối xử tồi tệ khác với trẻ em;

+ Gây tổn hại về tinh thần, xúc phạm nhân phẩm, danh dự, lăng mạ, chửi mắng, đe dọa, cách ly ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ em;

+ Cô lập, xua đuổi hoặc dùng các biện pháp trừng phạt để dạy trẻ em gây tổn hại về thể chất, tinh thần của trẻ em;

+ Thường xuyên đe dọa trẻ em bằng các hình ảnh, âm thanh, con vật, đồ vật làm trẻ em sợ hãi, tổn hại về tinh thần.

- Biện pháp khắc phục hậu quả:

+ Buộc chịu mọi chi phí để khám bệnh, chữa bệnh (nếu có) cho trẻ em đối với hành vi vi phạm nêu trên;

+ Buộc tiêu hủy vật phẩm gây hại cho sức khỏe trẻ em đối với hành vi thường xuyên đe dọa trẻ em bằng các hình ảnh, âm thanh, con vật, đồ vật làm trẻ em sợ hãi, tổn hại về tinh thần.

Bạo hành trẻ em cũng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Đối với hành hành vi bạo hành trẻ em không gây ra các thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính, tuy nhiên hành vi bạo hành nếu gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định Bộ luật Hình sự năm 2015 (Bộ luật hình sự sửa đổi, bổ sung năm 2017) bao gồm các tội sau: (Điều 134) Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác; (Điều 128) Tội vô ý làm chết người; (Điều 123) Tội giết người; (Điều 140) Tội hạnh hạ người khác.

Sự việc gây xôn xao dư luận gần đây liên quan đến bạo hành trẻ em là vụ việc hai cô bảo mẫu đánh đập hành hạ cháu bé 17 tháng tuổi dẫn đến tử vong. Thông tin vụ việc được thuật lại như sau: Trưa 23/2, hai đối tượng dồn các cháu vào một phòng để hướng dẫn chơi nhưng cháu bé vẫn ngồi khóc. Đến khoảng 9h cùng ngày, hai cô bảo mẫu đưa các cháu bé vào buồng ngủ để quản lý thì cháu Đ khóc chạy ra bên ngoài cửa lớp đứng. Thấy vậy, Lành bực tức chạy theo dùng 2 tay bế xốc hai nách và ném đập đầu cháu Đ xuống nền nhà có dải thảm; Lành xông vào dùng tay tát vào mặt cháu Đ còn An dùng chân đạp vào bụng, ngực, đá và dẫm lên đầu của cháu Đ. Đến 16h30' cùng ngày, cháu Đ được gia đình đón, Lành và An nói với gia đình là cháu Đ tự ngã.

Ngày 24, 25, 26/2, cháu Đ được gia đình đưa đến lớp giao cho An trông giữ. Đến  9h30' ngày 26/2, cháu Đ khóc thì bị An dùng chân đạp vào bụng. Khi cháu Đ bất tỉnh thì An gọi gia đình đến cùng đưa cháu Đ đi cấp cứu tại Trạm y tế xã Vạn Điểm. Tiếp đó, y tá yêu cầu đưa cháu đi viện nên gia đình đã chuyển cháu Đ đến Bệnh viện Nông nghiệp I, Bệnh viện Nông Nghiệp I chuyển cháu Đ đến Bệnh viện nhi Trung ương. Các bác sĩ tích cực điều trị đến 17h ngày 1/3, Bệnh viện nhi Trung ương trả cháu Đ về gia đình. Đến 19h ngày 2/3, cháu Đ tử vong.

Trường hợp này có thể coi là hành vi bạo hành trẻ em. Sẽ xem xét hành vi của hai đối tượng cấu thành Tội cố ý gây thương tích dẫn đến chết người (theo Điều 134 Bộ luật Hình sự) hoặc tội "Giết người" (theo Điều 123 Bộ luật hình sự). Bởi nếu các bảo mẫu không bị mất năng lực hành vi dân sự thì họ buộc phải biết việc làm dã man, tàn nhẫn của mình đối với một đứa trẻ 17 tháng tuổi có thể khiến cháu mất đi mạng sống.

Trong các đối tượng đã có người tốt nghiệp trung cấp sư phạm nhưng vì lợi ích đã bất chấp pháp luật, mở cơ sở trông giữ trẻ trái phép. Hành động của họ thể hiện coi thường pháp luật nên cần thiết phải xử lý nghiêm mới có tác dụng răn đe, phòng chống tội phạm bạo lực trẻ em đang có xu hướng gia tăng phức tạp trong xã hội hiện nay.

"Trong vụ án này, các đối tượng cùng thống nhất ý chí bạo hành cháu nên có vai trò ngang nhau, cùng phải chịu trách nhiệm đồng phạm. Nếu bị khởi tố tội Giết người, hai đối tượng sẽ phải chịu nhiều tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự như: Giết người dưới 16 tuổi; Vì động cơ đê hèn; Có tổ chức và sẽ phải đối diện với hình phạt cao nhất là tử hình.

Ngoài ra về trách nhiệm dân sự, họ phải bồi thường toàn bộ chi phí chữa trị, mai táng cho cháu bé và bồi thường tổn thất về tinh thần cho gia đình cháu bé", vị chuyên gia pháp lý nhận định.

Các vụ bạo hành trẻ em ngày càng gia tăng, đòi hỏi cả xã hội cùng chung tay lên tiếng, bảo vệ cho trẻ em một cách kịp thời, mạnh mẽ, hiệu quả hơn nữa. Đặc biệt, khi phát hiện trẻ em có dấu hiệu bị bạo hành, bất kỳ ai cũng có trách nhiệm báo ngay cho công an, chính quyền địa phương hoặc đường dây nóng bảo vệ trẻ em quốc gia. Không khoan nhượng với bạo lực trên toàn cộng đồng chính là biện pháp hữu hiệu nhất để đảm bảo mọi trẻ em được sinh ra, phát triển trong môi trường gia đình an toàn, thân thiện, bảo vệ các em khỏi vấn nạn bạo hành, lạm dụng và bóc lột.

Để giảm thiểu các vụ bạo hành trẻ em tại nước cần nâng cao nhận thức của xã hội, tăng cường trách nhiệm và năng lực của gia đình, nhà trường, cộng đồng trong việc chủ động phòng ngừa có hiệu quả các hành vi bạo lực, xâm hại đối với trẻ em. Thực hiện các hoạt động truyền thông, giáo dục, phổ biến kiến thức, pháp luật, kỹ năng bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em cho cha mẹ, người chăm sóc trẻ, giáo viên, cộng đồng và bản thân trẻ em.

Cần phải thực hiện tốt công tác tư vấn, tham vấn học đường và phát huy vai trò của công tác Đoàn, Đội. Môi trường gia đình có tác động tích cực đến việc hình thành nhân cách, do đó cha mẹ phải là tấm gương tốt để con cái noi theo. Chính quyền địa phương phải quan tâm, chăm lo cho trẻ em. Cộng đồng không vô cảm trước những nguy cơ trẻ em bị xâm hại, bạo lực.

Bài viết liên quan
21 điểm mới của Luật Đất đai 2024
21 điểm mới của Luật Đất đai 2024
10 LUẬT CÓ HIỆU LỰC THI HÀNH từ ngày 01/7/2024
10 LUẬT CÓ HIỆU LỰC THI HÀNH từ ngày 01/7/2024
Cảnh báo tội phạm cá độ bóng đá mùa Euro 2024
Cảnh báo tội phạm cá độ bóng đá mùa Euro 2024