HÀNH VI VI PHẠM QUY ĐỊNH VỀ QUẢNG CÁO THỰC PHẨM CHỨC NĂNG BỊ XỬ LÝ RA SAO?
22/03/2022
Thời gian vừa qua, các hành vi vi phạm trong hoạt động quảng cáo thực phẩm chức năng diễn ra khá phổ biến với rất nhiều hình thức khác nhau khiến người tiêu dùng không khỏi hoang mang. Thực trạng này đòi hỏi pháp luật cần có những biện pháp xử lý nghiêm khắc, đủ sức răn đe hơn nữa trước hàng loạt hành vi vi phạm quy định về quảng cáo thực phẩm chức năng đang bùng nổ như “vỡ trận” ở nước ta hiện nay.

Những năm gần đây, thị trường thực phẩm chức năng tại Việt Nam đang là mảnh đất màu mỡ để nhiều doanh nghiệp tập trung sản xuất, kinh doanh mặt hàng “béo bở” này, kéo theo hàng loạt chiêu trò kinh doanh bắt đầu nở rộ. Trong đó, nguy hiểm và đáng quan ngại hơn cả là tình trạng bất chấp quy định pháp luật, quảng cáo các sản phẩm được “thổi phồng” về công dụng với những hiệu quả “thần thánh hóa” không khác gì tiên dược khiến người tiêu dùng hiểu nhầm mà tin tưởng sử dụng dẫn đến “tiền mất, tật mang”.

Chỉ bằng một thao tác tìm kiếm đơn giản trên các trang mạng xã hội, không khó để bắt gặp các sản phẩm thực phẩm chức năng được quảng cáo tràn lan, rầm rộ với rất nhiều công dụng tuyệt vời. Đa phần trong đó là các quảng cáo nhằm đánh lừa người tiêu dùng, qua mặt cơ quan chức năng.

Sai phạm chủ yếu mà các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng mắc phải chính là quảng cáo “tâng bốc” về công dụng của sản phẩm khiến người tiêu dùng hiểu lầm là thuốc chữa bệnh; quảng cáo khi chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung; quảng cáo công dụng sản phẩm không đúng với nội dung trong hồ sơ công bố, thậm chí sử dụng cả danh nghĩa thầy thuốc, chuyên gia để quảng cáo hay sử dụng thư cảm ơn của người bệnh để PR cho sản phẩm.

Một hình thức quảng cáo thực phẩm chức năng đang gây ra rất nhiều bức xúc, bất bình trong dư luận chính là việc quảng cáo về một số lương y, nhà thuốc đông y gia truyền, thầy lang trên hàng loạt các trang mạng xã hội từ Facebook, Zalo đến Youtube… với những thông tin sai sự thật và phản khoa học. Chiêu trò của những “thần y” này là viết bài hay dựng các video quảng cáo về sản phẩm của mình với slogan quen thuộc “cam kết trị dứt điểm”, “cam kết khỏi hoàn toàn”… Không ít các trường hợp chỉ vì sa vào “bẫy quảng cáo” của các “thần y dởm” mà người tiêu dùng không những không khỏi bệnh, sức khỏe chẳng những không cải thiện mà còn ôm bệnh vào người.

Mới đây, lợi dụng tâm lý lo ngại biến chứng chứng hậu Covid của các F0, nhiều chợ thuốc “ảo” đăng bài quảng cáo tràn lan các loại thực phẩm chức năng có tác dụng bổ phổi theo dạng hàng “xách tay”. Thậm chí, các “thần y” còn kê đơn “online” dù chưa qua bất kỳ một trường lớp đào tạo về y dược nào. Đa số bệnh nhân cho biết họ nghe theo lời quảng cáo hấp dẫn nên đã không ngần ngại mua về uống chẳng ngờ lợi bất cập hại.

Vậy pháp luật quy định ra sao về các biện pháp xử lý đối với hành vi này?

I. XỬ PHẠT HÀNH CHÍNH

1. Căn cứ điểm b khoản 4; điểm b khoản 5; điểm a, b khoản 6 Điều 52 Nghị định số 38/2021/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo thì phạt tin từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi quảng cáo thực phẩm chức năng gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh;

- Hình thức xử phạt bổ sung: Tước quyền sử dụng Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm từ 03 tháng đến 05 tháng; tước quyền sử dụng Giấy xác nhận nội dung quảng cáo từ 20 tháng đến 24 tháng đối với hành vi vi phạm trong trường hợp vi phạm về quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe từ 02 lần trở lên trong thời hạn 06 tháng.

- Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc cải chính thông tin; buộc tháo gỡ, tháo dỡ sản phẩm quảng cáo hoặc thu hồi sản phẩm in, tạp chí in quảng cáo.

2. Căn cứ khoản 1 Điều 52 Nghị định số 38/2021/NĐ-CP và điểm a khoản 15 Điều 4 Nghị định số 129/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch; thể thao; quyền tác giả, quyền liên quan; văn hóa và quảng cáo thì phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe mà không có hoặc ghi không đúng hoặc không đọc rõ hoặc không thể hiện trong quảng cáo khuyến cáo “Thực phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh.”

3. Căn cứ điểm c khoản 4 Điều 52 Nghị định số 38/2021/NĐ-CP thì phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi quảng cáo thực phẩm có nội dung đăng tải, dẫn, trích dẫn hoặc nêu ý kiến người bệnh mô tả thực phẩm có tác dụng điều trị bệnh.

- Hình thức xử phạt bổ sung: Tước quyền sử dụng Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm từ 03 tháng đến 05 tháng; tước quyền sử dụng Giấy xác nhận nội dung quảng cáo từ 20 tháng đến 24 tháng đối với hành vi vi phạm trong trường hợp vi phạm về quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe từ 02 lần trở lên trong thời hạn 06 tháng.

Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc cải chính thông tin; buộc tháo gỡ, tháo dỡ sản phẩm quảng cáo hoặc thu hồi sản phẩm in, tạp chí in quảng cáo.

Việc quảng cáo không đúng, nói quá sự thật khiến người tiêu dùng hiểu nhầm về công dụng, chức năng của sản phẩm, sử dụng và bị thiệt hại thì tổ chức, cá nhân quảng cáo sai sự thật sẽ phải bồi thường tương ứng với thiệt hại theo quy định tại Điều 608 Bộ luật dân sự năm 2015.

II. TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ

Người thực hiện hành vi quảng cáo gian dối về hàng hóa, dịch vụ đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm có thể bị phạt tiền từ 10 đến 100 triệu đồng, hoặc cải tạo không giam giữ đến 03 năm tù về tội quảng cáo gian dối theo quy định tại Điều 197 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.

Bài viết liên quan
Trốn nghĩa vụ quân sự bị phạt thế nào?
Trốn nghĩa vụ quân sự bị phạt thế nào?
7 cách sử dụng thông tin công dân thay thế sổ hộ khẩu
7 cách sử dụng thông tin công dân thay thế sổ hộ khẩu
Quy định Pháp luật Việt Nam về các hành vi bạo lực trẻ em
Quy định Pháp luật Việt Nam về các hành vi bạo lực trẻ em