XÉT XỬ CÔNG KHAI HAY XÉT XỬ KÍN
20/07/2022
Thời gian gần đây, vấn đề xét xử vụ án bé gái 8 tuổi Nguyễn Thị Vân An bị mẹ ghẻ Nguyễn Võ Quỳnh Trang bạo hành tử vong tại thành phố Hồ Chí Minh theo thủ tục xét xử kín hay xét xử công khai một lần nữa lại khiến dư luận dậy sóng. Bởi lẽ, ngày 22/6/2022 TAND Thành phố Hồ Chí Minh - Tòa Gia đình và người chưa thành niên đã ra Quyết định đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm số 2437/2022/QQĐXXST-HS. Quyết định này đã làm dấy lên những ý kiến trái chiều trong dư luận xã hội.

Vậy câu hỏi đặt ra là nên xét xử kín hay xét xử công khai đối với vụ án này. 

Điều 103 Hiến pháp năm 2013 quy định về nguyên tắc xét xử như sau: “Tòa án nhân dân xét xử công khai. Trong trường hợp đặc biệt cần giữ bí mật nhà nước, thuần phong, mỹ tục của dân tộc, bảo vệ người chưa thành niên hoặc giữ bí mật đời tư theo yêu cầu chính đáng của đương sự, Tòa án nhân dân có thể xét xử kín.”

Điều 25 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 cũng quy định: “Tòa án xét xử công khai, mọi người đều có quyền tham dự phiên tòa, trừ trường hợp do Bộ luật này quy định. Trong trường hợp đặc biệt cần giữ bí mật nhà nước, thuần phong mỹ tục của dân tộc, bảo vệ người dưới 18 tuổi hoặc để giữ bí mật đời tư theo yêu cầu chính đáng của đương sự thì Tòa án có thể xét xử kín nhưng phải tuyên án công khai.”

Đồng thời theo điểm d, khoản 1 Điều 7 Thông tư số 02/2018/TT-TANDTC quy định xét xử kín vụ án hình sự có bị cáo, người bị hại là người dưới 18 tuổi như sau:

“Đối với những vụ án có người bị hại là người dưới 18 tuổi bị xâm hại tình dục, bị bạo hành hoặc bị mua bán thì Tòa án phải xét xử kín; đối với những vụ án khác có yêu cầu của người dưới 18 tuổi, người đại diện của họ hoặc để giữ bí mật đời tư, bảo vệ người dưới 18 tuổi thì Tòa án cũng có thể xét xử kín nhưng phải tuyên án công khai theo quy định tại Điều 327 của Bộ luật Tố tụng hình sự.”

            Căn cứ vào những quy định trên cùng với thực tiễn xét xử thì những trường hợp được xét xử kín đối với người dưới 18 tuổi thông thường là những vụ án vụ án xâm hại tình dục mà nạn nhận là bé gái hoặc những vụ án bạo hành mà người bị hại là người dưới 18 tuổi. Mục đích của việc xét xử kín trong những trường hợp này là giữ bí mật đời tư, bảo vệ cho nạn nhân khỏi dư luận đồng thời đảm bảo về mặt tâm lý và tương lai cho nạn nhân.

            Một vài ý kiến khác cho rằng: mặc dù cháu bé N.T.V.A đã tử vong, nhưng cũng nên cần bảo vệ hình ảnh, danh dự cho cháu. Đồng thời, vụ việc này liên quan đến bạo lực gia đình, vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng con cái, thậm chí hành hạ, bạo hành trẻ đến tử vong, rất trái với thuần phong, mỹ tục của dân tộc. Do đó, tòa cấp xét xử sơ thẩm có quyết định đưa vụ án ra xét xử kín là phù hợp với Điều 25 Bộ Luật tố tụng Hình sự 2015.

            Tuy nhiên, trong vụ án này, mặc dù bé gái dưới 18 tuổi bị bạo hành nhưng nạn nhân đã tử vong thì việc xét xử kín theo quy định tại Thông tư 02/2018/TT-TANDTC cần xem xét lại. Bởi lẽ, mục đích của thủ tục xét xử kín là giữ bí mật đời tư, bảo vệ cho nạn nhân khỏi dư luận, đảm bảo về mặt tâm lý, tương lai cho nạn nhân đã không còn, thêm vào đó, đây là vụ án cần xử lý nghiêm và công khai để răn đe, phòng ngừa các tội phạm xâm hại quyền trẻ em. Nếu vụ án này được xét xử kín thì sẽ không đạt được mục đích răn đe, giáo dục, đồng thời cũng sẽ làm cho niềm tin của người dân vào pháp luật bị giảm.

            Vì thế, ngày 07/7/2022, Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã ra Quyết định số 5744/2022/QĐ-XXST-HS quyết định đưa ra xét xử sơ thẩm vụ án hình sự đối với Bị cáo Nguyễn Võ Quỳnh Trang và Nguyễn Kim Trung Thái vào ngày 21/7/2022 và quyết định xét xử công khai vụ án.

            Có thể thấy, Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đưa vụ ra xét xử công khai đã đảm bảo công lý, công bằng xã hội, đáp ứng được yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm xâm hại quyền trẻ em và niềm tin của người dân vào pháp luật.

Bài viết liên quan
Chiêu trò giả danh, giả mạo công an lừa đảo trên không gian mạng
Chiêu trò giả danh, giả mạo công an lừa đảo trên không gian mạng
TUẦN LỄ PHÁP LUẬT
TUẦN LỄ PHÁP LUẬT
Có hay không vai trò đồng phạm của đội ngũ ekip và các tội danh khác mà CEO Nguyễn Phương Hằng có thể phải đối mặt?
Có hay không vai trò đồng phạm của đội ngũ ekip và các tội danh khác mà CEO Nguyễn Phương Hằng có thể phải đối mặt?