Chiêu trò giả danh, giả mạo công an lừa đảo trên không gian mạng
17/01/2024
Hiện nay, tình hình tội phạm, các đối tượng xấu sử dụng công nghệ cao để phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản ngày càng nhiều và có diễn biến phức tạp, với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi, có xu hướng đan xen, kết hợp giữa nhiều hình thức lừa đảo khác nhau gây thiệt hại lớn về tài sản và bức xúc, hoang manh trong quần chúng nhân dân.

Kịch bản phổ biến đang được các đối tượng xấu sử dụng đó là giả mạo lực lượng Công an đang tiến hành điều tra, thụ lý hoặc giải quyết vụ việc gọi điện thông báo nạn nhân đang liên quan đến một vụ án nghiêm trọng như: lừa đảo, buôn bán ma tuý, gây tai nạn giao thông bỏ trốn, vi phạm Luật Giao thông, lừa đảo xuyên quốc gia,... 

Khi nạn nhân cho biết mình không liên quan hoặc không phải là tội phạm được nói đến thì các đối tượng lừa đảo này sẽ yêu cầu cung cấp thông tin để xác minh hoặc nói rằng, có thể thông tin cá nhân của nạn nhân bị lợi dụng, yêu cầu nạn nhân làm theo hướng dẫn để “phục vụ công tác điều tra, xử lý”, từ đó dẫn dụ nạn nhân làm theo những yêu cầu của mình. Do đó, đã có rất nhiều người bị lừa đảo bằng cách này. Để người dân “sập bẫy”, các đối tượng thực hiện các cuộc gọi lừa đảo chủ yếu đánh vào tâm lý sợ hãi, thiếu hiểu biết của họ nên đã chuyển tiền vào tài khoản do các đối tượng cung cấp thì chúng chiếm đoạt ngay lập tức và ngắt liên lạc hoặc rời khỏi nhóm.  

 

Theo quy dịnh của pháp luật về Tố tụng hình sự và quy định của Bộ Công an thì tuỳ theo từng trường hợp, cơ quan Công an/Cơ quan điều tra khi có yêu cầu, đề nghị cá nhân, tổ chức đến làm việc phải có thông báo, giấy mời, giấy triệu tập có ký, đóng dấu của cơ quan, người có thẩm quyền. Thông báo, giấy mời, giấy triệu tập phải ghi rõ nội dung, thời gian, địa điểm làm việc và người giải quyết, thụ lý vụ việc... Trường hợp, gửi trực tiếp phải thông qua lực lượng Cảnh sát khu vực, Công an xã, phường, thị trấn hoặc đại diện chính quyền địa phương để ký giao nhận. 

Như vậy, việc xưng danh Công an, Điều tra viên triệu tập, làm việc qua điện thoại, tin nhắn, Zalo, facebook,... đặc biệt là yêu cầu người dân chuyển tiền, thu giữ tài sản,... đều là không phù hợp với quy định của pháp luật. Khi nhận được các cuộc gọi đe doạ, giả danh Công an, Điều tra viên người dân cần bình tĩnh, không hoang mang, lo sợ và tuyệt đối không truy cập, thay đổi mật khẩu tài khoản internet banking hay cài các phần mềm lạ hoặc cung cấp tin nhắn chứa mã OTP của ngân hàng này; đồng thời báo tin ngay đến Cơ quan Công an gần nhất hoặc số điện thoại nóng mà Cơ quan Công an đã cung cấp để kịp thời xác minh, làm rõ. Đồng thời, mỗi người dân cần chủ động nâng cao nhận thức, kiến thức pháp luật thông qua các phương tiện truyền thông, dịch vụ pháp lý từ các Công ty Luật, Văn phòng Luật sư để được tư vấn, hỗ trợ kịp thời để tránh sự việc đáng tiếc có thể xảy ra./.

 

Bài viết liên quan
TUẦN LỄ PHÁP LUẬT
TUẦN LỄ PHÁP LUẬT
XÉT XỬ CÔNG KHAI HAY XÉT XỬ KÍN
XÉT XỬ CÔNG KHAI HAY XÉT XỬ KÍN
Có hay không vai trò đồng phạm của đội ngũ ekip và các tội danh khác mà CEO Nguyễn Phương Hằng có thể phải đối mặt?
Có hay không vai trò đồng phạm của đội ngũ ekip và các tội danh khác mà CEO Nguyễn Phương Hằng có thể phải đối mặt?